Xưa thời còn thơ ấu chập chững cắp chiếc balo đi học, tôi và bạn chắc hẳn quá quen thuộc với những lời khuyên từ cha mẹ: “ráng mà học cho tốt để mai kia đỡ cực đỡ vất vả như cha mẹ chỉ biết làm nông, nghe con”. Những lời răn được những đứa bé mới chỉ bập bẹ vài câu “i tờ” in dấu trong tâm trí vì đối với chúng những gì được nghe lại từ người lớn đều là chân lý chẳng thể thay đổi. Chúng ta từ bé đã cảm nhận được vị gian truân của nhà nông thấm đượm qua từng cái vuốt má, cái xoa đầu từ đôi tay chai sần, thô ráp; là những buổi đi học về sớm phấn khích chạy ra đồng đưa cho cha mẹ ngụm nước hay củ khoai mà bị té lên té xuống dưới sự gập ghềnh trơn trượt của đường ruộng nhỏ bé. Sau này những đứa trẻ chỉ coi công việc đồng áng chỉ như công việc phụ cha mẹ, đỡ đần khi rảnh rỗi. Chỉ cố gắng học, dùng con chữ để làm các nghề khác chứ không quay trở về nâng tầm ngành nông nghiệp. Chính sự “từ bỏ” kéo theo thực trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ khiến ngành nông nghiệp của chúng ta chưa phát huy đúng tiềm năng của mình. Quanh quẩn vẫn chỉ là những câu chuyện “được mùa mất giá”, ‘giải cứu”…
Tỷ lệ người tốt nghiệp các trường lớp đào tạo, người tốt nghiệp rồi trở về quê đã ít nhưng người về quê làm nông nghiệp cũng ít hơn. Lẽ thường, chẳng ai muốn mang cái danh học cao biết rộng vẫn phải chăm chăm cái cày “theo đuôi” con trâu. Vấn đề mấu chốt là nông nghiệp không thực sự hấp dẫn với những người có trình độ, họ chỉ coi như giải pháp đường cùng khi thất thế sa cơ. Vậy nên để vượt khỏi định kiến trên thì hãy cởi “lớp áo” cũ kĩ trước đó để khoác lên bộ cánh lung linh, thu hút mọi ánh nhìn của mọi ngành nghề, tầng lớp trong xã hội. Khi được công nhận đúng với vị thế vốn dĩ thuộc về thì việc thu hút nhân tài tham gia sẽ không phải bài toán nan giải.
Đi tìm “chiếc áo” mới
Ngày nay sự phổ cập công nghệ được áp dụng vào mọi ngành nghề, trong đời sống sinh hoạt cá nhân, giúp kéo gần khoảng cách giữa nước giàu và nước đang phát triển, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Tại Việt Nam, công nghệ cũng được cập nhật một cách rộng rãi, chỉ khoảng 10-20 năm trước cả xóm sở hữu vài chiếc TV mà chỉ người có điều kiện nhất, thì đến nay người nông dân trên tay cũng cầm những chiếc điện thoại thông minh. Xưa kia việc tìm kiếm, tra cứu thông tin rất khó, nhưng ngày nay mọi thứ gần như đều có trên internet. Sự phát triển của đất nước tạo điều kiện cho chúng ta đến gần hơn với tinh hoa nhân loại. Do đó, để nhiều ngành nghề “lột xác”, tăng tốc và hoàn thiện cần áp dụng công nghệ hiện đại và nông nghiệp cũng không nằm trong số đó.
Máy bay phun thuốc nông nghiệp là một thiết bị canh tác được tích hợp công nghệ 4.0 có độ vận hành chính xác cao, thời gian hoàn thành các tác vụ nhanh chóng, dễ dàng thực hiện dập dịch trên những địa hình, cây trồng…khi con người không thể, hoặc khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai. Ví dụ khi dập dịch tại những vườn cao su có cao trung bình khoảng 8-12m, phần phát bệnh thường ở ngọn cây với các phương pháp thủ công không thể tiếp cận được với mầm bệnh. Điều đó khiến cho năng suất và chất lượng cao su thu hoạch không đạt mong muốn tốt nhất. Nhưng Nicotex đã triển khai chiến dịch phun thuốc bằng máy bay mang lại hiệu quả dập dịch, mang đến những vườn cao su khỏe mạnh. Không chỉ đột phá về tốc độ canh tác, máy bay phun thuốc mang tới sự an nhàn cho nông dân, không phải vất vả vác trên vai bình xịt thủ công bước từng bước nặng trĩu dưới cái nắng chói chang của thời tiết. Giờ chỉ cần một cái click, nông dân chỉ cần đứng dưới tán cây mát lành, điều khiển máy bay hoàn thành công việc phun thuốc, rải giống. Chẳng phải tiếp xúc với thuốc BVTV sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp phun.
Thay đổi góc nhìn từ xã hội
So với trước đây khi xã hội thường “ruồng bỏ” nghề nông, coi nghề nông là “nhà quê” rồi tránh né. Nhưng hiện nay công nghệ 4.0 được áp dụng giúp nghề nông không còn nhiều sự vất vả, năng suất cũng cao hơn trước rất nhiều, nhiều giống cây trồng mới chống chọi được sự khắc nghiệt của thời tiết… Còn những công việc văn phòng hiện tại nhiều người cảm thấy bị lặp đi lặp lại một vòng lặp nhàm chán, bị gò bó với những bức tường, dán mắt vào màn hình máy tính đầy những tia sáng xanh gây hại cho đôi mắt. Mặt khác, thu nhập cũng không quá cao khi mà chi phí trên thành phố đắt đỏ hơn, nhiều khoản chi tiêu hơn khi sống ở nông thôn. Do đó nhiều tri thức đã quyết định rời bỏ thành phố với công việc văn phòng về quê lập nghiệp khi mọi điều kiện đã thuận lợi, phù hợp. Đời sống nông thôn giờ không còn vất vả, thiếu thốn như trước nữa khi phong trào “nông thôn mới” được lan tỏa rộng rãi với các công trình điện, đường, trường, trạm; khi công nghệ 4.0 xóa tan sự vất vả của nghề nông vốn đòi hỏi sức khỏe cao; khi chất lượng nông sản được đảm bảo và thị trường đón nhận dẫn tới thu nhập cao hơn, nhiều nông dân canh tác tốt còn có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Ngoài ra, máy bay nông nghiệp cũng góp phần cải thiện trình độ của những người nông dân đơn thuần, họ cũng tự nâng cấp mình với những thiết bị hiện đại, những tính năng giúp công việc nhẹ nhàng, thuận lợi hơn, nhờ thế họ bắt kịp với những tinh hoa của thời đại.
Máy bay nông nghiệp đã phần nào thay đổi nhìn nhận của xã hội về nông nghiệp, đã không còn sự cực nhọc, gian truân và nghèo đói. Giờ đây họ nhìn những người trẻ làm nông nghiệp là những người có tư duy khác biệt, có lòng yêu thiên nhiên và khát vọng về một nền nông nghiệp hiện đại, mang lại thu nhập lớn cho chính mình và tạo điều kiện, cơ hội việc làm cho nhiều người khác tại nông thôn. Chúng ta là một quốc gia có nền văn minh nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu, thổ nhưỡng, có nhiều đặc sản nổi tiếng thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải tự mình khai thác những “báu vật” bị lãng quên bấy lâu nay. Những cánh bay không mỏi trên bầu trời, giúp tiếp thêm niềm tin về một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại sẽ dần trở thành hiện thực, khi nhân tài, nhân lực cao cùng quy tụ về ngày càng nhiều.
Bình luận